Thủ tướng yêu cầu xem xét giảm chi phí các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu

Tài chính Hậu Lộc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu xem xét các giải pháp giảm chi phí mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu.

Nghiên cứu giải pháp giảm chi phí điện, xăng dầu

Đây là một trong những nội dung được nêu ra trong trong thông báo 272/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và nghiên cứu xem xét các giải pháp giảm chi phí các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu.

Thực tế, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã ban hành và triển khai nhiều chính sách để vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong đó, giá điện cũng đã được 5 lần điều chỉnh giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tại họp báo thường kỳ ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ này chưa nghĩ đến việc tăng giá điện thời gian tới trong bối cảnh dịch bệnh.

"Sau 5 lần giảm giá điện, việc tiếp tục giảm giá điện được nữa hay không chúng tôi sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp", ông Hải cho biết.

Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan của các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện của tất cả các khâu trong ngành điện, bao gồm phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, quản lý ngành.

Giá điện sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới? (Ảnh: EVN)
Giá điện sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới? (Ảnh: EVN)

Đối với cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện.

Trong thời gian qua, giá bán điện bình quân được thực hiện điều chỉnh theo đúng các quy định hiện hành, góp phần đảm bảo tài chính cho ngành điện để đầu tư, phát triển các công trình điện đáp ứng cung cấp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2021-2022, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi sát nhu cầu phụ tải hệ thống điện, bám sát tình hình thực tế và các thông số đầu vào sản xuất kinh doanh điện để thực hiện giá điện theo các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện hiện hành.

Giá xăng dầu lên cao kỷ lục gây áp lực cho người dân, doanh nghiệp

Đối với giá xăng dầu, trong 9 tháng đầu năm 2021, liên Bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện 18 lần điều hành giá xăng dầu trong nước tùy thuộc diễn biến thị trường xăng dầu quốc tế.

Trong đó, giá các mặt hàng xăng giảm 3 lần, giữ ổn định 3 lần, tăng 12 lần; dầu diesel giảm 5 lần, giữ ổn định 2 lần, tăng 11 lần; dầu hỏa giảm 6 lần, giữ ổn định 2 lần, tăng 10 lần; dầu mazut giảm 5 lần, giữ ổn định 3 lần, tăng 10 lần.

Mới đây nhất, trong kỳ điều chỉnh chiều 11/10, giá xăng E5RON92 đã tăng lên mức không cao hơn 21.683 đồng/lít; xăng RON95-III lên tối đa 22.879 đồng/lít, đây là mức cao nhất cao nhất 7 năm qua.

Giá xăng dầu đang ở mức kỷ lục
Giá xăng dầu đang ở mức kỷ lục

Tương tự, giá dầu diesel 0.05S sau điều chỉnh cũng tăng lên mức không cao hơn 17.545 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên tối đa 16.622 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S cũng tăng mạnh lên mức không cao hơn 17.097 đồng/kg.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, việc giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm sẽ đẩy giá thành các loại sản phẩm, dịch vụ lên cao... từ đó sẽ áp lực cho người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, Việt Nam đang mở cửa trở lại nền kinh tế, việc giá xăng tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian gián đoạn.

Ông Long cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ khiến giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào như thép, xi măng và nhiều mặt hàng khác cùng tăng sẽ là lực đẩy với giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.

"Đó là điều đáng lo với sức cạnh tranh của hàng hóa ở cả trong nước và xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sức hồi phục của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung", ông Long nhìn nhận.

Vị chuyên gia lấy dẫn chứng, xăng dầu chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải, việc giá nhiên liệu như xăng dầu sẽ gây áp lực lên chi phí của các doanh nghiệp vận tải. Do đó, thời gian tới, khi vận chuyển hành khách và hàng hóa được lưu thông bình thường thì giá cước sẽ tăng để bù đắp.

Tương tự, các loại hàng hóa từ sản xuất, thông qua khâu vận chuyển để đến tay người tiêu dùng sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng.

"Cơ quan điều hành cần tìm cách kiềm giữ giá xăng dầu để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay", ông Long chia sẻ.

Bà Chu Thị T, Giám đốc một doanh nghiệp thép ở Đông Anh, Hà Nội cũng cho rằng, việc giá xăng dầu tăng "phi mã" sẽ khiến doanh nghiệp đang điêu đứng vì dịch bệnh lại càng kiệt quệ vì chi phí vận tải.

"Giãn cách xã hội, vận tải bị ngưng trệ, nhiều đơn hàng phải hủy vì không thể giao cho khách hàng. Giờ mới dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, lưu thông cũng chỉ mới dễ thở hơn thì lại lo gánh nặng chi phí xăng dầu, vậy thì chúng tôi lấy sức đâu để hồi phục", bà T chia sẻ.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, Bộ Công thương luôn bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đó phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo bà Nga, 9 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,82% ở mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của giá xăng dầu trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa với mức chi phí hợp lý và hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp trong thời điểm rất khó khăn này.

Về đề xuất giảm giá xăng, bà Nga cho biết, Bộ Công thương, cụ thể là Vụ Thị trường trong nước cũng đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới, bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá của xăng dầu.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần phải nắm được Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay còn bao nhiêu, qua đó, phân tích những yếu tố về giá, về thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về vấn đề giảm thuế.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, bà Nga khẳng định.

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước.
Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Khai giảng năm học mới là thời điểm mà các gia đình thường xuyên “đau đầu” với những khoản chi phí, từ quần áo đồng phục, đồ dùng học tập cho tới sách giáo khoa hay các khoản tiền học, phụ phí đóng góp thêm… Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã tìm ra “bí kíp” chi tiêu hợp lý để tiết kiệm tài chính cho gia đình.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,