Thủ tướng Chính phủ: Báo chí mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, thắp sáng những điều tốt đẹp

Trong nước Anh Đức
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Báo chí cần thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; Là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XVI năm 2021, kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí quốc gia Lần thứ XVI năm 2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tối 21/6, Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022).

Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí, các quý vị đại biểu, những người làm báo trong và ngoài nước lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam đã từng căn dặn: Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.

97 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Bác Hồ, sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay chúng ta có hơn 800 cơ quan báo chí và trên 22 ngàn hội viên Hội Nhà báo. Cuộc thi lần này đã thu hút hàng ngàn tác phẩm với nhiều thể loại đã thể hiện ý thức, trách nhiệm rất cao của báo chí với đất nước, thực sự là “cầu nối thông tin” rất quan trong giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia trao chứng nhận cho đại diện các nhóm tác giả nhận giải B.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao giải B cho các tác giả.

"Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo, mà còn là của cả cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác và gia đình, bạn bè.

Giải thưởng hôm nay để tri ân, cảm ơn những người làm báo đã góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực, thành công của đất nước trong năm 2021 rất đặc biệt, một năm chúng ta trải qua những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh. Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về “Chiến lược vắc xin”, “Chương trình phòng, chống dịch COVID-19” để Việt Nam đã trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; Chia sẻ với những vất vả, khó khăn; Động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch", Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng là một trong những nước được thế giới đánh giá trên đà phục hồi vững chắc và dự báo có tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 (Theo dữ liệu Chỉ số Phục hồi COVID-19 mà Nikkei công bố tháng 5, Việt Nam là một trong hai quốc gia thể hiện tốt nhất, tăng 48 bậc, từ vị trí 62 lên vị trí thứ 14). Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức thành công đại hội thể thao SEA Games 31 cả trong thể thao và các sự kiện ngoài thể thao.

Thủ tướng khẳng định, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế; Có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí và những người làm báo nước nhà.

Giải thưởng hôm nay được dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của Nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về. Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của một người phụ nữ.

Giải thưởng hôm nay để tôn vinh những đóng góp trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo, đã tích cực đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, nhất là việc tuyên truyền, thúc đẩy thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; Phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…

Mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin

Trong thời gian tới, tình hình địa chính trị thế giới, nhất là xung đột Nga-Ukraine và hậu đại dịch COVID-19 sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, như áp lực lạm phát, lãi suất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu… Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… diễn biến phức tạp. Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm và sự đồng thuận trong xã hội.

Thủ tướng yêu cầu, quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước. Báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả. (Ảnh TTXVN)

Báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để Nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước mắt, chúng ta cần tập trung tuyên truyền về ba đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

"Báo chí chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, tôi đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của Nhân dân, là động lực khích lệ Nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển; Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam", Thủ tướng nói.

Người làm báo phải không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn; Nhiệt huyết, thông tin nhanh, chính xác, khách quan, chân thực, kịp thời, có trách nhiệm, văn hóa; không để bị chi phối, suy thoái trước những “cám dỗ”, làm mất đi tính khách quan, trung thực trong mỗi tác phẩm báo chí.

Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới vào hoạt động báo chí-truyền thông, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

"Nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ. Nhiều nhà báo vẫn đang ngày đêm cống hiến hết mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng để có những tác phẩm có ý nghĩa cho xã hội, Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, đồng hành và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Nhân dịp trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI và kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa, tôi thân ái chúc toàn thể các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong và ngoài nước “luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, làm việc với ngọn lửa đam mê bằng tinh thần “tâm sáng, bút sắc, lòng trong” như đúc kết của cố nhà báo Hữu Thọ. Mỗi tác phẩm báo chí sẽ mang sứ mệnh lan tỏa niềm tin, truyền cảm hứng, thúc đẩy động lực, thắp sáng những điều tốt đẹp để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong số 152 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 đã lựa chọn được 115 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải; trong đó có 10 Giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải Khuyến khích.

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Thông báo số 1440-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,