Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Hơn 380 nghìn tỷ nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42

Tài chính Văn Thành Nhân
Tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Sẽ tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó có việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo đó, về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (ban hành theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 1058) đã đạt được những mục tiêu cơ bản.

Cụ thể, quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăn, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao; Năng lực quản trị rủi ro được cải thiện, từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Đặc biệt, qua cơ cấu lại, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Hơn 380 nghìn tỷ nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42
Sẽ tăng vốn điều lệ cho "Big 4" ngân hàng quốc doanh

Theo báo cáo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021; Tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17% so với cuối năm 2021; Vốn huy động thị trường 1 đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, hoạt động cơ cấu lại về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 400,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; Tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021; Vốn huy động thị trường 1 đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021.

Trên cơ sở tổng kết Đề án 1058, thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Hơn 380 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42

Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Hơn 380 nghìn tỷ nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Từ năm 2021 đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 216,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong 4 tháng đầu 2022, tổng số dư nợ xấu được xử lý đạt 54,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn là khách hàng trả nợ (23,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,0% tổng nợ xấu được xử lý), sử dụng dự phòng rủi ro (14,2 nghìn tỷ đồng, 25,9%) và bán nợ cho VAMC (11,4 nghìn tỷ đồng, 20,9%).

Tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình giai đoạn 2012 - 2017, hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo báo cáo, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,9% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý (trung bình giai đoạn 2012-2017 chỉ khoảng 22,8%). Trong đó, riêng năm 2021, đã xử lý được 48,3 nghìn tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Do đó, để chủ động và giảm áp lực nợ xấu trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu hiệu quả; phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết 42 trên thực tế nếu được Quốc hội thông qua gia hạn thời gian áp dụng Nghị quyết.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với Chính phủ kéo dài Nghị quyết 42

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết này.

Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Ủy ban Kinh tế cho rằng trường hợp Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, không được kéo dài có thể dẫn tới khó khăn trong xử lý nợ xấu. Do vậy, việc kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giảm thiểu những xung đột, tranh chấp do dừng các cơ chế đang áp dụng;...

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước.
Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Khai giảng năm học mới là thời điểm mà các gia đình thường xuyên “đau đầu” với những khoản chi phí, từ quần áo đồng phục, đồ dùng học tập cho tới sách giáo khoa hay các khoản tiền học, phụ phí đóng góp thêm… Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã tìm ra “bí kíp” chi tiêu hợp lý để tiết kiệm tài chính cho gia đình.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,