Thêm 2 tuần giãn cách, Hà Nội kỳ vọng “bóc tách” được F0 ra khỏi cộng đồng

Trong nước Đức Minh - Lam Ngọc
Số ca nhiễm tại Hà Nội vẫn nhích nhẹ từng ngày, phát sinh nhiều ổ dịch với chùm ca bệnh phức tạp. Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 được phát hiện qua khám sàng lọc ngày một tăng, càng cho thấy dịch đang lẩn khuất trong cộng đồng. Hà Nội sẽ có thêm 14 ngày giãn cách nữa và liệu thủ đô có tận dụng được thời gian “vàng” để thiết lập lại trạng thái bình thường mới?
Chợ Long Biên được dựng rào, chăng dây cách ly y tế từ chiều 3/8
Chợ Long Biên được dựng rào, chăng dây cách ly y tế từ chiều 3/8

Số ca nhiễm trong cộng đồng chiếm hơn 55%

Hà Nội đang triệt để giãn cách xóm với xóm, nhà với nhà, các chốt kiểm soát làm việc 24/24 kiểm soát người ra vào, nhiều nơi giăng dây “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cuộc sống tại Hà Nội dường như đang ngưng trệ lại, hàng quán bị đóng cửa, nhiều siêu thị, chợ dân sinh lớn bị phong tỏa vì liên quan ca F0.

Một Hà Nội ồn ã, nhộn nhịp, khẩn trương đã được khoác lên một tấm áo mới, tĩnh lặng đến sợ hãi. Đó là khi người dân Hà Nội nhận ra nguy cơ có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào ra đường, tiếp xúc với bất kỳ ai. Ai nấy đều cố gắng cố thủ trong nhà, gặm nhấm từng tin tức đau xót từ miền Nam thân yêu, để nhận ra, mình vẫn còn là người may mắn vô cùng.

TP. Hồ Chí Minh những ngày này không còn sức để truy vết nữa khi bản đồ dịch chằng chịt ổ lây nhiễm. Họ chuyển sang chiến lược tập trung tư vấn và điều trị cho F0. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc theo dõi sức khỏe những F0 cách ly tại nhà với mục tiêu nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp điều trị kịp thời nhất.

Còn tại Hà Nội, khi số ca nhiễm vẫn dao động quanh mốc trên dưới 100 ca nhiễm/ngày, đội truy vết đang tăng tốc từng ngày để rà soát, truy vết F1, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng. Những gì thuộc về kinh nghiệm của các đợt khống chế dịch trước, vẫn đang phát huy rất hiệu quả tại Hà Nội. Thủ đô chưa phải áp dụng cách ly F1 tại nhà hay để F0 tự điều trị tại nhà, nghĩa là, thủ đô vẫn đang trong tình thế chủ động kiểm soát dịch.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, Sở Y tế Hà Nội nhận định có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt, là có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với nhiều ca mắc, nguy cơ lây nhiễm trong chuỗi cung ứng.

Hà Nội đang có một số ổ dịch vẫn có chuỗi lây nhiễm dai dẳng như liên quan đến nhà thuốc; chùm ca bệnh tại Công ty SEI, Đông Anh; chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bắc Giang… và gần đây nhất là hai chùm lây nhiễm có số ca bệnh lớn liên quan Công ty Thực phẩm Thanh Nga và công trình xây dựng tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.

Triệt để giãn cách từ bài học đau thương của các tỉnh phía Nam

Với 1.645 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư, Hà Nội đang đứng ở vị trí thứ 11 trên cả nước. Số ca phát hiện trong cộng đồng khá cao, khoảng hơn 900 ca. Các chuyên gia nhận định, nếu không triệt để giãn cách sẽ là cơ hội cho dịch lan rộng, bùng phát.

Bài học từ sự chủ quan trong giãn cách xã hội của TP. Hồ Chí Minh đã kéo theo một hệ lụy khủng khiếp với tốc độ dịch lan nhanh và rộng cho toàn bộ các tỉnh phía Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải xót xa nhận định, dịch tại đây đã ngấm sâu vào cộng đồng, không thể bóc tách F0 được nữa.

Vì thế, Hà Nội đã phải đi nhanh, đi trước một bước bằng việc triệt để giãn cách theo Chỉ thị 16 ngay từ 24/7, bảo vệ thủ đô bằng các chốt ra vào thành phố, quyết tâm giữ vững sự bình yên của thủ đô trước một nguy cơ cực lớn từ sự giao thương đi lại. Đây là lần giãn cách thứ 2 của Hà Nội kể từ năm 2020, nhưng là lần giãn cách mạnh mẽ và khá triệt để. Quyết định xử phạt nhiều hơn, mức xử phạt được nâng lên để ngăn việc người dân ra đường không cần thiết.

Từ ngày 7/8, Hà Nội sẽ bước sang lần giãn cách thứ 2 của đợt dịch thứ 4. Và lần này, quyết tâm của lãnh đạo Hà Nội được đặt ở mức cao hơn nữa. Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, trong thời gian vàng này, thành phố sẽ đẩy nhanh truy vết, mở rộng xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Đồng thời, tiếp tục quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà, lực lượng công an phối hợp chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường việc kiểm soát người dân bằng cách lập các chốt lưu động nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân và xử phạt những trường hợp ra khỏi nhà không cần thiết.

Hà Nội đang tăng tốc để làm sạch các “vùng đỏ”, mở rộng vùng “da cam” và bảo vệ “vùng xanh” được an toàn. Việc xuất hiện các “vùng xanh” tại Hà Nội với địa bàn đầu tiên triển khai là quận Hoàng Mai cho thấy quyết tâm của thành phố “làm đến đâu chắc đến đó”, xử lý dứt điểm, nhằm mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh) vững chắc, khoanh gọn những ổ dịch lớn, từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn và dần an toàn trở lại.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng của Hà Nội vẫn đang còn khá chậm, đặc biệt chưa triển khai việc ưu tiên tiêm cho những đối tượng yếu thế như người trên 65 tuổi, shipper (nhân viên giao hàng), các lực lượng tham gia vào vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Hà Nội cũng chưa triển khai các chiến dịch tiêm chủng lớn hoặc triển khai tiêm chủng lưu động.

Bước đi này của Hà Nội đang chậm so với TP. Hồ Chí Minh và tạo ra một sự quan ngại về chủ động tạo miễn dịch cộng đồng của Hà Nội trước khi dịch tấn công mạnh. Nếu không tăng tốc tiêm chủng để có miễn dịch, nếu không triệt để giãn cách, thì Hà Nội rất có thể trở thành một TP. Hồ Chí Minh thứ hai.

Giờ đây, khi Hà Nội quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà, người dân đã tuân thủ quy định nhà giãn cách nhà, xóm giãn cách với xóm, đã ý thức hơn trong việc thực hiện 5K, thì điều quan trọng nhất hiện nay là phụ thuộc vào sự khai báo y tế trung thực để cơ quan y tế kịp thời truy vết và người dân phải có ý thức được triệu chứng cần phải đi khám của mình.

Đặc điểm của biến chủng Delta là hơn 50%, thậm chí lên tới 80% người mắc ít triệu chứng ban đầu, nên việc mở rộng xét nghiệm sàng lọc nhằm xác định chính xác các ca chỉ điểm không có yếu tố dịch tễ, từ đó truy vết, khoanh vùng nhanh và hiệu quả, làm sạch mầm bệnh tiềm ẩn, có ý nghĩa quyết định hiệu quả phòng, chống dịch trong những ngày tới. Nhà chức trách của Hà Nội đã nhiều lần phát đi thông điệp ai ho, sốt, có triệu chứng của Covid-19 thì phải khai báo y tế liên tục và đi tầm soát để phát hiện sớm nhất bệnh. Chỉ có như vậy, mới phát hiện được ca bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Thông báo số 1440-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,