Tái bùng phát căng thẳng biên giới, Trung-Ấn có trở lại “khủng hoảng tháng 6”?

Thời sự
Sau một thời gian tạm lắng, căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại bùng phát trở lại.

New Dehli mới đây cáo buộc Bắc Kinh tìm cách thay đổi hiện trạng tại khu vực. Trung Quốc cũng ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ, chỉ trích Ấn Độ xâm phạm trái phép lãnh thổ. Một cuộc họp cấp chỉ huy quân sự đã được triệu tập giữa hai nước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mới nhất này.

tai bung phat cang thang bien gioi, trung-an co tro lai
Lính Ấn Độ ở vùng biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Al Jazeera.

Trong một thông cáo, Quân đội Ấn Độ cáo buộc phía Trung Quốc đêm 29 ngày 30/8 đã vi phạm thỏa thuận đạt được giữa hai nước về khu vực Ladakh và có những động thái quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng. Cũng theo thông cáo, Quân đội Ấn Độ đã làm thất bại nỗ lực này của Trung Quốc, mà không gây thương vong nào.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, lực lượng biên phòng Trung Quốc vẫn tôn trọng nghiêm ngặt đường kiểm soát thực tế. Một cuộc họp khẩn cấp chỉ huy quân đội hai nước đã ngay lập tức được triệu tập nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mới nhất này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Lực lượng biên phòng Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt đường Ranh giới kiểm soát thực tế và không bao giờ vượt qua ranh giới này. Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đang liên lạc chặt chẽ với nhau về vấn đề.”

Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới bùng phát trở lại hồi cuối tuần qua tại khu vực hồ Pangon thuộc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Đây cũng nơi chứng kiến sự đối đầu gay gắt giữa hai nước kể từ tháng 4 vừa qua, mà đỉnh điểm là vụ đụng độ hồi tháng 6 ở thung lung Galwan làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Ấn Độ cho đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc không rút quân khỏi các khu vực tuần tra, sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao.

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải là mới, song với mức độ như hiện nay thì lại là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1975. Cả hai nước thời gian gần đây đều tỏ rõ sự không hài lòng về tình trạng hiện tại và muốn chủ động tăng cường nắm giữ các vùng lãnh thổ tranh chấp mà mỗi bên kiểm soát. Tuy nhiên, cùng với việc không từ bỏ các kênh đối thoại về quân sự và ngoại giao, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đều đang cho thấy sẽ không để cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và xung đột biên giới này vượt tầm kiểm soát hay làm bùng phát chiến tranh biên giới như hồi năm 1962. Hơn nữa, đối với Trung Quốc, đây cũng không phải là thời điểm phù hợp để nước này khuấy động căng thẳng với Ấn Độ.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp Covid-19, mối quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai bên tái thiết các kết nối ngoại giao vào những năm 1970. Tương tự với Ấn Độ, việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Những bình luận mà Thủ tướng Narendra Modi đưa ra hồi giữa tháng 6 vừa qua cho thấy ông sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại về chính trị để tránh làm căng thẳng leo thang./.

https://vov.vn/the-gioi/tai-bung-phat-cang-thang-bien-gioi-trungan-co-tro-lai-khung-hoang-thang-6-1090282.vov

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,