Người giữ rừng Tây Nguyên kể chuyện đấu trí với kẻ phá rừng sẵn sàng đổ máu

Thời sự
Trong quá trình tuần tra rừng, những chiến sĩ không ít lần phải đối mặt với nguy hiểm vì những kẻ phá rừng liều lĩnh và sẵn sàng đổ máu để đạt được mục đích.

Nỗi nhớ nhà khi đêm về...

Sau nhiều lần lỡ hẹn, mãi đến đầu tháng 5, tôi mới có dịp trở lại Ia Hdrai - huyện miền núi cao của tỉnh Kon Tum, để chứng kiến "cuộc chiến" cam go của những người được gọi với cái tên người "giữ rừng".

Nắng tháng 5 vẫn cứ hầm hập trên những triền núi hùng vĩ của miền biên giới, trên chiếc xe máy đời cũ, một cán bộ gác rừng chở tôi băng qua từng con dốc cao, nằm vắt vẻo quanh sườn núi. Con đường ngược lên nơi đóng chốt càng đi lại càng vắng teo, hai bên đường chi chít cây bụi, dây leo. Phải sau gần 1 tiếng đồng hồ vượt dốc, tôi đặt chân lên tới nơi.

Thấy khách lạ ghé thăm, ai nấy đều đon đả mời chào, rót chén trà xanh còn nghi ngút khói, anh Phùng Chí Mạnh (40 tuổi, thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai) - người gắn bó gần 23 năm với những cánh rừng Tây Nguyên chia sẻ với chúng tôi cái duyên đến với nghề giữ rừng.

Anh Mạnh cho biết: “Hồi mới vào nghề, những đêm trực ngồi một mình, nhìn bốn bề xung quanh tối đen, chỉ có tiếng lá rừng và chim thú, mình vừa buồn lại vừa sợ, đôi lúc muốn khóc và trong đầu đã thoáng có ý bỏ nghề. Nhưng vì nung nấu khát vọng được cống hiến và thử thách bản thân nên mình kiên nhẫn ở lại với rừng. Thế mà thấm thoát cũng gắn bó với cái nghề này gần được 23 năm rồi”.

Người giữ rừng Tây Nguyên kể chuyện đấu trí với kẻ phá rừng sẵn sàng đổ máu - 1

Dù khó khăn, vất vả, những người "giữ rừng" vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Ngoài công việc rất vất vả, đời sống của chúng tôi ở đây thiếu thốn nhiều lắm. Mấy anh em phải xúm vào bắt cá dưới suối, hái rau rừng hay tự trồng rau để ăn. Mỗi lần có ai về nhà thì sẽ chở lên 2 hoặc 3 bao dự trữ, phòng khi trời mưa kéo dài.

Chúng tôi thường ngủ trong rừng. Mỗi lần đi tuần tra thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày nên trước khi đi, chúng tôi phải chuẩn bị đầy đủ gạo mắm, các vật dụng cần thiết và phông bạt để dựng lán trại dã chiến. Đêm ở lại rừng, chúng tôi sẽ thay phiên nhau chợp mắt một tí, mà có khi nào ngủ ngon đâu, lúc ngủ nghe toàn tiếng xào xạc lạnh lẽo, chỉ cần nghe động lạ là lại bật dậy liền”, anh Mạnh cho biết thêm.

Ở nơi đây, sóng điện thoại lúc có lúc không, vì thế mà những cuộc gọi về nhà có khi đang dở câu thì lại im bặt.

Anh Đặng Đức Cường (28 tuổi, đồng nghiệp của anh Mạnh) đang rửa số cá vừa bắt được trong quá trình tuần tra rừng, chia sẻ: “Mỗi tháng chúng tôi được luân phiên nhau về thăm nhà từ 1 tới 2 lần, nhưng những đợt cao điểm như dịch vừa rồi không ai về, phải túc trực 24/24. Chúng tôi sợ lâm tặc lợi dụng tình hình dịch bệnh sẽ khai thác rừng. Nhiều đêm nằm nhớ nhà, có khi nghĩ mình không trụ nổi, nhưng có anh em san sẻ nên rồi nỗi nhớ cũng cũng qua đi”.

Chật vật "đấu trí" với hiểm nguy

Gắn bó với rừng suốt chừng ấy thời gian, những người giữ rừng cảm nhận được nỗi đau khi nhìn từng miếng gỗ bị đẽo gọt mòn, khi mỗi ngày trôi qua tiếng chim, thú rừng lại dần ít đi. Vì thế mà dù nguy hiểm luôn rình rập trong quá trình tuần tra rừng, họ vẫn dấn thân vào công cuộc cứu rừng.

Người giữ rừng Tây Nguyên kể chuyện đấu trí với kẻ phá rừng sẵn sàng đổ máu - 2

Xác định trong thời gian có dịch COVID-19, kẻ xấu sẽ lợi dụng phá rừng, các chiến sĩ luôn túc trực 24/24, đảm bảo công tác giữ rừng.

Chia sẻ về những khó khăn trong công cuộc giữ rừng, anh Mạnh cho biết: "Tổ gác của chúng tôi có 4 người, chia ra bảo vệ gần 5.000 ha rừng. Mỗi ngày, chúng tôi cắt cử 3 anh em thường xuyên đi tuần tra trên một chiếc thuyền gỗ nhỏ, xuyên qua từng cánh rừng, góc suối để công tác kiểm soát được kĩ lưỡng.

Đường đi tuần tra rừng có đoạn toàn dốc đá, sau mưa lại càng trơn trượt nên chỉ cần sẩy chân là hậu quả khôn lường, nhẹ thì trầy xước, bong gân còn nặng có thể lăn xuống phía dưới, gãy tay, chân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có khi chúng tôi lại va phải lá rừng mà không rõ là gì, về bị ngứa, lở loét và buốt thấu cả da thịt”.

Trong quá trình tuần tra rừng, những chiến sĩ không ít lần phải đối mặt với nguy hiểm, thậm chí tính mạng bị đe dọa vì những kẻ phá rừng liều lĩnh, ranh ma và sẵn sàng đổ máu để đạt được mục đích.

Mới đây, anh Nguyễn Quang Đỗ - Cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Ia Hdrai bị chém trọng thương sau khi ngăn cản một kẻ lạ mặt cố đưa xe độ chế vào rừng. Kẻ này chém anh Đỗ đứt gân tay, tổn thương xương cổ tay và phải đưa đi phẫu thuật nối gân tay, bó bột.

Người giữ rừng Tây Nguyên kể chuyện đấu trí với kẻ phá rừng sẵn sàng đổ máu - 3

Ăn ngủ trong rừng là điều xảy ra thường ngày đối với họ.

Xác định trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19, rừng có nguy cơ mất an toàn cao bởi kẻ xấu có thể lợi dụng sơ hở để xâm hại, nên ngày đêm họ đều đóng chốt, tuần tra giữ rừng, không một chút lơ là.

Hiện tại, những người làm công việc "giữ rừng" chỉ có số tiền lương ít ỏi, chưa đầy 5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày của họ, chắt chiu lắm mới mua được cho mẹ già, vợ con ít quà cho đỡ tủi.

Thế nhưng công việc của những người giữ rừng lại quá gian truân. Nhiều người hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều biện pháp bảo vệ an toàn và chính sách hỗ trợ để những người "giữ rừng" yên tâm làm nhiệm vụ, giữ mãi màu xanh đại ngàn của Tây Nguyên.

https://vtc.vn/doi-song/nguoi-giu-rung-tay-nguyen-ke-chuyen-dau-tri-voi-ke-pha-rung-san-sang-do-mau-ar544621.html

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,