Ngành dệt may sẽ cực kỳ khó khăn trong 3 tháng cuối năm

Tài chính Hậu Lộc
Trong bối cảnh khó khăn, đại diện ngành dệt may kiến nghị Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh rơi vào tình trạng đứt thanh khoản...

Thiệt hại cả kinh tế và uy tín với khách hàng

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2021 đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm trước: hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5%; vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 37,4%; xơ sợi đạt 4 tỷ USD, tăng 56,2%; vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%. Nhập khẩu nguyên, phụ liệu đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020.

VITAS đánh giá, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài khiến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may theo chiều hướng giảm dần trong từng quý.

Cụ thể, trong quý I/2021, ngay từ đầu năm, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu tốt khi đa số doanh nghiệp đều ký được đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm 2021 do nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc... nới lỏng giãn cách, tăng nhu cầu hàng tiêu dùng.

Sang quý II, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh phía bắc, đặc biệt tại Bắc Giang, Bắc Ninh... tuy nhiên do kiểm soát dịch bệnh khá tốt nên mức độ ảnh hưởng chưa lớn, 6 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận xuất khẩu dệt may vẫn tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng trên 5% so với năm 2019.

Tuy nhiên, từ đầu quý III đến nay là thời gian rất khó khăn với các doanh nghiệp dệt may do diễn biến dịch bệnh kéo dài tại TP HCM và các tỉnh phía Nam gây tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm... thậm chí bị đối tác hủy đơn hàng. Các doanh nghiệp cố gắng bố trí sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" hoặc phương án sản xuất "4 xanh" nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10%-30% số lao động, chi phí lớn.

Ngành dệt may sẽ cực kỳ khó khăn trong 3 tháng cuối năm
Dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc "chảy máu lao động"

Theo VITAS, thời gian qua, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phải giảm tối thiểu từ 60- 70 % lao động do không đáp ứng được yêu cầu của "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" hay "4 xanh". Hoặc do người lao động lo sợ lây nhiễm không đi làm, một số không nhỏ đã về quê... làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề lao động cả hiện tại và thời gian tới sau dịch.

Theo ước tính của VITAS, có khoảng gần 1 triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm thu nhập.

Khoảng thời gian tới sẽ cực kỳ khó khăn

Trước những khó khăn trên, VITAS cho rằng, mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu như năm 2019 sẽ rất khó khăn, ngay cả khi hoạt động sản xuất đang từng bước được khôi phục từ tháng 10/2021.

Trong bối cảnh đó, VITAS đánh giá, 3 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may do phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.

Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới
Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới

Do đó, tại kịch bản tích cực nhất, Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10/2021, VITAS dự báo, xuất khẩu năm nay dự kiến đạt khoảng 37,5-38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, còn địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36-36,5 tỷ USD.

Trong khi đó, với kịch bản kém tích cực nhất, VITAS dự báo xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5-34 tỷ USD nếu không kiểm soát được dịch bệnh, tiếp tục phong tỏa, giãn cách đến đầu tháng 12/2021.

Theo VITAS, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%. Mặc dù TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam đang dần mở cửa trở lại trong tháng 10/2021 nhưng vẫn rất khó để công nhân quay trở lại làm việc, vì chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

"Đây là thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện bình thường mới'", ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS đánh giá.

Do đó, để vượt qua khó khăn, VITAS cho rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất bảo đảm mục tiêu "sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế".

Mặt khác, các doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi cách để chuỗi cung ứng ngành dệt may không bị đứt gãy. Mỗi doanh nghiệp sẽ bố trí sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" "1 cung đường 2 điểm đến", "4 xanh".

Cùng với đó, doanh nghiệp cùng hỗ trợ nhau thực hiện đơn hàng dang dở, làm việc với khách hàng để khách chia sẻ khó khăn, chấp nhận giãn tiến độ giao hàng, không hủy đơn hàng chuyển đi nơi khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều cần thực sự quan tâm đến người lao động, quan tâm đến những người đang còn làm việc, những lao động đang nghỉ không lương, kêu gọi lao động trở lại làm việc để họ tiếp tục gắn bó với họ, khích lệ, động viên để người lao động sẵn sàng đi làm...

Đặc biệt, ngoài việc "tự cứu mình", đại diện ngành dệt may kiến nghị tiếp tục ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong nhà máy, các khu công nghiệp, đội ngũ lái xe vận tải, shipper, nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu... Đồng thời, họ muốn Nhà nước hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh rơi vào tình trạng đứt thanh khoản.

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

BIDV phát hành thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước.
Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Giải bài toán chi phí khi bắt đầu năm học mới

Khai giảng năm học mới là thời điểm mà các gia đình thường xuyên “đau đầu” với những khoản chi phí, từ quần áo đồng phục, đồ dùng học tập cho tới sách giáo khoa hay các khoản tiền học, phụ phí đóng góp thêm… Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã tìm ra “bí kíp” chi tiêu hợp lý để tiết kiệm tài chính cho gia đình.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,