Luật hoá hộ kinh doanh: "Không nhất thiết phải cầu toàn"

Thời sự
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, luật hoá quy định hộ kinh doanh, có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác.

Nếu làm luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hoá ngay thì có lợi cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải cầu toàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm.

Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sáng 23/3 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị vẫn trình Quốc hội cả phương án dành một chương của dự thảo luật quy định về hộ kinh doanh, dù ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên làm luật riêng.

Không nên cưỡng ép

Sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, đến nay dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) còn hai vấn đề lớn chưa thống nhất.

Vấn đề thứ nhất, Chính phủ bảo lưu quan điểm đưa quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Toàn cảnh phiên họp 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3
Toàn cảnh phiên họp 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/3

Cũng là thành viên Uỷ ban Kinh tế, song Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ủng hộ mạnh mẽ việc luật hoá quy định về hộ kinh doanh, bởi như thế sẽ giải tỏa được một điểm nghẽn pháp lý quan trọng và được xem là dấu ấn lập pháp lớn về doanh nghiệp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Nhận xét phát biểu của ông Lộc là "hay", nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đặc điểm của hộ kinh doanh tại Việt Nam không giống nước nào cả, nên cần cân nhắc việc đưa vào Luật Doanh nghiệp.Hình thức này rất đa dạng, rất linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục, nếu mình đưa vào luật vừa “bó tay, bó chân”, vừa không phù hợp, ông Giàu phân tích.

Bản chất hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên đưa vào Luật doanh nghiệp thì không đúng, không nên cưỡng ép, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu không đưa hộ kinh doanh vào luật thì cũng không gây ách tắc, cản trở gì đến hộ kinh doanh, họ vẫn làm ăn, nộp thuế bình thường. Còn đưa vào thì không đúng bản chất, tên là Luật Doanh nghiệp thì đối tượng, phạm vi điều chỉnh phải là doanh nghiệp. Vì thế, nên tiến hành tổng kết thực tiễn để đề xuất làm luật riêng về hộ kinh doanh.

Khẳng định hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, vì nếu là doanh nghiệp thì đương nhiên là quy định vào Luật doanh nghiệp rồi, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đến giờ phút này tất cả ý kiến đại biểu đều thống nhất cần luật hoá quy định về hộ kinh doanh, chỉ khác nhau là luật hoá ở luật này hay luật riêng thôi.

Theo Bộ trưởng thì luật hoá ngay có lợi cho hộ kinh doanh, có lợi cho nền kinh tế, khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và không chồng chéo với các luật khác. Bởi vậy, nên quy định tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sau này khi tách ra thì nhấc toàn bộ chương về hộ kinh doanh sang luật mới, chứ chờ làm luật riêng thì sẽ kéo dài thêm mấy năm nữa.

Vì thế, không nhất thiết phải cầu toàn, Bộ trưởng đề nghị.

Sau khi một số thành viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần làm luật riêng, Bộ trưởng trình bày: Đây là vấn đề rất quan trọng, xin để Quốc hội biểu quyết chọn phương án có làm luật riêng hay không.

Nhà nước sở hữu trên 50% là phù hợp

Vấn đề lớn thứ hai còn có ý kiến khác nhau là sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12 của Trung ương.

Còn theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế thì đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là doanh nghiệp Nhà nước là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12.

Phần thảo luận, ý kiến của một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình phải tuân thủ nghị quyết 12 của Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước như thế nào gọi là chi phối thì Ban soạn thảo đã có phân tích 3 phương án là: 50%, 65% và 100%.

Trong Luật Doanh nghiệp hiện nay đã có quy định là những vấn đề thông thường thì trên 50% là có quyền quyết định. Thứ hai là những vấn đề quan trọng phải từ 65% trở lên nhưng phải được trên 50% đồng ý. "Chúng tôi thấy nếu chúng ta lấy mức từ 50% trở lên thì chúng ta đã đảm bảo được quyền chi phối của Nhà nước. Vì kể cả những vấn đề bình thường và những vấn đề quan trọng đều phải có sự quyết định và có ý kiến của trên 50%. Quy định trên 50% là phương án hợp lý, cũng phù hợp và tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay", Bộ trưởng nói.

Quy định như vậy, theo Bộ trưởng cũng phù hợp với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với quốc tế.

Mặt khác, qua rà soát chỉ có 2 luật chịu tác động của việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủy lợi.

Bộ trưởng cho biết Ban soạn thảo đã có phương án đề nghị thêm một cụm từ “doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chi phối” vào sau “doanh nghiệp nhà nước” tại dự thảo luật.

Quy định tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước trên 50% là phù hợp với Nghị quyết 12, vừa tương thích với hệ thống pháp luật và có thể thực hiện được ngay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Nhấn mạnh yêu cầu chỉ lựa chọn một khái niệm chứ không nên đưa ra nhiều khái niệm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, thống nhất với nhau để đưa ra khái niệm về doanh nghiệp nhà nước nhưng trên tinh thần của Nghị quyết 12 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

https://baodautu.vn/luat-hoa-ho-kinh-doanh-khong-nhat-thiet-phai-cau-toan-d118470.html

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,