Lào đóng nhiều cửa khẩu biên giới, học sinh Campuchia nghỉ hè sớm

Thời sự
Cùng với việc tạm đóng 10 cửa khẩu, Lào cũng khuyến cáo người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết qua biên giới để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Lào đóng nhiều cửa khẩu biên giới, học sinh Campuchia nghỉ hè sớm

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, Lào đã ra lệnh tạm đóng 10 cửa khẩu tiếp giáp các nước láng giềng.

Trong số 10 cửa khẩu bị đóng tạm thời lần này có sáu cửa khẩu tiếp giáp với Việt Nam, gồm cửa khẩu quốc tế Panghok ở tỉnh Phongsaly, Namsoy ở tỉnh Huaphanh, Namkan ở tỉnh Xieng Khuang, Phoukeua ở tỉnh Attapeu, Daktaok ở tỉnh Sekong và Nam Phao ở tỉnh Bolikhamxay.

Số còn lại là những cửa khẩu tiếp giáp với Thái Lan, gồm Namheuang và Nam Ngeun ở tỉnh Xayaboury, Na Pao ở tỉnh Khammuan và sân bay quốc tế tỉnh Savannakhet.

Trong thông báo về việc tạm đóng 10 cửa khẩu trên, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào, Tiến sỹ Rattanaxay Phetsouvanh cũng khuyến cáo người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết qua biên giới để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh quyết định của Chính quyền trung ương Lào, trong những ngày qua, nhiều tỉnh của Lào đã đóng cửa một loạt cửa khẩu với các nước láng giềng.

Cụ thể, chính quyền tỉnh Attapeu cuối tuần qua đã tạm thời đóng cửa các cửa khẩu Phounhang ở huyện Vong; Cửa khẩu Pho 1 khu vực Vangtat huyện Xanxay; Cửa khẩu XePien huyện Sanamxay; Cửa khẩu phụ Pho 2, 3, 4, 5 và 6 tiếp giáp với Việt Nam và Campuchia.

Chính quyền tỉnh Sekong chiều 13/3 cũng đóng cửa tạm thời các cửa khẩu phụ có biên giới với Việt Nam, bao gồm cửa khẩu Daktaook, cửa khẩu Dakpar, cửa khẩu Tavang và cửa khẩu Kako.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Huaphanh cuối tuần qua cũng quyết định đóng cửa 10 cửa khẩu phụ với Việt Nam gồm các cửa khẩu Nam Tai, Tha Rao, Meuang Kern, Phieng Peua, Mong Nam, Na Khang, Sob Doung, Pao, Yord Tiew và Dadin.

Các trường học các cấp trên lãnh thổ Campuchia bắt đầu đóng cửa nghỉ Hè sớm trong bối cảnh các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng. Đây là thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Campuchia ra ngày 16/3. Thông báo có hiệu lực cho đến khi có quyết định mới.

Đêm 15/3, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã chỉ đạo khẩn một số biện pháp ngăn ngừa, chống lây lan dịch COVID-19 tại Campuchia.

Các chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen gồm hướng dẫn người dân không đi đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không có việc cấp bách. Các bộ, ban, ngành trung ương và cấp dưới không cử cán bộ đi công tác, họp tại các nước châu Âu, Mỹ và Iran.

Trong trường hợp cần thiết cử cán bộ đại diện Campuchia đi họp tại các nước trên, các bộ, ban, ngành liên hệ với Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế cử đại diện ngoại giao Campuchia tại nước đó đi họp thay. Đối với bất kỳ cán bộ hay người dân nào từ các nước châu Âu, Mỹ và Iran trở về phải được cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.

Tối 15/3, Bộ Y tế Campuchia đã công bố thêm 4 trường hợp phát hiện mắc COVID-19, trong đó có 1 em bé 4 tháng tuổi là con của một người Pháp 35 tuổi bị mắc COVID-19 trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia lên 12 ca.

Tại Thái Lan, dịch COVID-19 đang giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, với khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp dự kiến sẽ phải rời khỏi lĩnh vực kinh doanh này trong năm nay.

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Nhà hàng (RBA) của Thái Lan, bà Ladda Sampawthong, nhận định lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ở Thái Lan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thập niên qua.

RBA dự báo, trong năm 2020, khoảng 10-15% số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng có quy mô lớn và trung bình, sẽ rời khỏi lĩnh vực trị giá 12,5 tỷ USD này. Phần lớn những nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nhất có vị trí tại những địa điểm du lịch. RBA đang tham khảo ý kiến các ngân hàng thương mại về hỗ trợ tài chính, kể cả lãi suất đặc biệt đối với những khoản vay.

RBA, với khoảng 50.000 hội viên trên toàn Thái Lan, đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị vào cuối tháng này nhằm tìm kiếm những biện pháp mới để hỗ trợ các thành viên.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Kasikorn (K-Research) dự báo mức tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm ở Thái Lan có thể giảm 4,3-6,6% trong năm 2020 nếu dịch COVID-19 tiếp diễn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người tiêu dùng chi tiêu ít hơn do tuân thủ khuyến cáo hạn chế đi ra đường, trong khi chi tiêu mua thực phẩm của khách du lịch nước ngoài - vốn chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu cá nhân khi ở Thái Lan, cũng giảm do tác động của dịch dịch COVID-19.

Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết số lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan trong tháng Hai đã giảm 44,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó du khách từ thị trường du lịch lớn nhất của Thái Lan là Trung Quốc giảm tới 85,3%.

Chính phủ Thái Lan dự báo ngành du lịch nước này sẽ mất khoảng 30% lượng khách du lịch Trung Quốc trong quý 1/2020. Con số này có thể tăng lên 50% nếu dịch bệnh tiếp tục là một mối lo ngại trong quý tiếp theo.

Năm 2019, du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 18 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Thái Lan.

Theo Trang Nhung-Phạm Kiên-Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

https://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/lao-dong-nhieu-cua-khau-bien-gioi-hoc-sinh-campuchia-nghi-he-som_t114c52n161945

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,