Israel sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Arab nào nữa sau UAE?

Thời sự
Israel và UAE vừa bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sau đột phá này, Israel sẽ còn lập quan hệ ngoại giao với những nước Arab nào nữa?

Nhà Trắng vào ngày 13/8/2020 thông báo rằng Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường.

UAE là nước Arab thứ 3 cho tới nay có mối quan hệ hòa bình bình thường với Israel. Ai Cập đạt được điều này vào năm 1978, và Jordan tiếp bước vào thời điểm 1/4 thế kỷ sau đó. Nhưng UAE có lẽ là nước đầu tiên hứa hẹn có mối quan hệ xây dựng với Israel thay vì chỉ có một nền hòa bình lạnh lùng.

israel se thiet lap quan he ngoai giao voi cac nuoc arab nao nua sau uae? hinh 1
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters.

Việc bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab và Israel thường có những trục trặc. Năm 1983, Lebanon và Israel ký một hòa ước. Rồi chưa đến một năm sau đó, Tổng thống Lebanon Amine Gemayel đã chính thức hủy bỏ hòa ước này.

Đất nước Mauritania cũng thế, họ đã ký một thỏa thuận hòa bình với Israel vào tháng 10/1999 nhưng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đã không vượt qua nổi sự thay đổi chính quyền ở Mauritania sau đó cũng như sự căm phẫn trước việc Israel đưa quân vào Gaza năm 2009.

Thỏa thuận Oslo 1993 lập ra chính quyền Palestine và thiết lập mối quan hệ chính thức giữa Israel và Palestine, nhưng thỏa thuận này giống một lộ trình cho việc bình thường hóa trong tương lai hơn là giống một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Mỹ Trump tự tin tuyên bố về đột phá ngoại giao giữa UAE và Israel như sau: “Băng đã được phá vỡ, tôi mong các nước Arab và Hồi giáo sẽ noi gương UAE”.

Vậy các nước nào trong thế giới Arab và Hồi giáo sẽ nối chân UAE để bình thường hóa quan hệ với Israel.?

Oman?

Thủ tướng Israel Netanyahu từng thăm Quốc vương Qaboos ở thủ đô Muscat vào năm 2018. Hai nước cùng công bố chuyến thăm này.

Người dân Oman không thực sự có thái độ thù địch đối với Israel. Họ không tham gia các cuộc chiến chống lại nhà nước Do Thái và luôn tự hào về tính trung lập của mình.

Tuy nhiên, Qaboos đã qua đời và tân Quốc vương Haitham nhiều khả năng sẽ phải củng cố quyền lực trong nước trước khi thực hiện động thái có khả năng gây tranh cãi lớn là thiết lập quan hệ với Israel.

Saudi Arabia?

Thái tử Saudi Bin Salman có thể mong muốn chính thức hóa quan hệ với Israel nhưng ông gặp phải trở ngại là sự phản đối của bố ông, Quốc vương Salman.

Trong chốn cung đình Saudi Arabia, Bin Salman thừa hiểu rằng nhiều đối thủ đang nhằm vào ông và Bin Salman chắc không muốn tạo cớ cho các đối thủ hại mình.

Tuy nhiên nếu Bin Salman bước lên ngôi báu thì mọi chuyện có thể khác vì lúc đấy ông không phải ngó trước nhìn sau nữa, không còn lo bị loại bỏ khỏi danh sách kế vị vào phút cuối như với trường hợp của Hoàng tử Hassan ở Jordan, hoặc trước đó là các hoàng tử Muqrin và Muhammed bin Nayef ở Saudi Arabia trước khi Muhammad bin Salman nổi lên và được “quy hoạch” vào vị trí ngôi vương.

Bahrain?

Khả năng này dễ hơn. Bahrain là quốc gia Arab bé nhất và là một ngoại lệ khu vực, phát triển theo hướng xã hội toàn cầu. Quốc gia này đã tránh được làn sóng dân túy của chủ nghĩa quốc gia Arab và sau đó là chủ nghĩa Hồi giáo.

Bahrain cũng có sự đa dạng tôn giáo. Hoàng gia và giới tinh hoa tại nước này là người dòng Hồi giáo Sunni trong khi đa số dân chúng theo dòng Hồi giáo Shiite. Bahrain cũng có các gia đình Kitô giáo và Do Thái bản địa, đồng thời cởi mở với tín đồ Hindu và đạo Sikh, cho phép họ thực hành tôn giáo của mình.

Quốc vương Bahrain không ngại phá vỡ các rào cản. Năm 2008, ông bổ nhiệm Houda Nonoo – một phụ nữ Bahrain gốc Do Thái làm Đại sứ Bahrain tại Mỹ.

Marốc và Tunisia?

Đây là 2 ứng viên tiềm năng. Về mặt lịch sử, cả hai đều là nơi có đông cư dân Do Thái. Hai nước vẫn tiếp tục chào đón những người Do Thái từng tới Israel và những người đi lại bằng hộ chiếu Israel.

Tuy nhiên giữa 2 nước này, Marốc nổi bật hơn. Marốc từng che chở cho người Do Thái khi cộng đồng này bị phát xít Đức truy sát.

Sau khi nổ ra chiến tranh giữa Israel và nhiều nước Arab, thái độ bài Do Thái và những cuộc thảm sát người Do Thái đã xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng Quốc vương Marốc khi đó vẫn chọn một người Marốc gốc Do Thái làm bác sĩ riêng cho mình. Rồi sau này còn có người gốc Do Thái làm cố vấn cho các vua Marốc, hay được bầu vào vị trí Bộ trưởng Du lịch nước này.

Israel và Marốc có tiềm năng về hợp tác nông nghiệp do Israel có công nghệ tốt còn Marốc có nhu cầu phát triển ngành này ở miền bắc và các tỉnh nam Sahara.

Sudan?

Cách đây một năm, việc Israel-Sudan bình thường hóa quan hệ ngoại giao chỉ là một giấc mơ xa xôi nhưng việc Khartoum hướng tới phương Tây đang nhen nhóm lên hy vọng.

Nhà lãnh đạo Bashir của Sudan bị lật đổ vào tháng 4/2019. Vào tháng 2/2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gặp gỡ một quan chức của Sudan ở Uganda. Sau đó Uganda cho phép máy bay Israel bay qua lãnh thổ Sudan. Sudan đang muốn lấy lòng phương Tây và nỗ lực tìm cách tái thiết nền kinh tế của mình nên quan hệ ngoại giao của Sudan với Israel có triển vọng được thiết lập.

Indonesia?

Nếu Israel hướng tới các nước lớn hơn thì không có ứng viên nào tốt hơn Indonesia – đất nước có dân số đạo Hồi lớn nhất thế giới.

Thủ tướng Netanyahu đã từ lâu theo đuổi Indonesia. Năm 2018, ông gặp Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla ở New York và tuyên bố công khai việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Indonesia là một mục tiêu của Israel.

Indonesia và Israel đã hợp tác với nhau để giảm bớt các rào cản bằng việc trao đổi đoàn nhà báo giữa 2 nước để họ tác động lên các chính trị gia và xã hội dân sự của mỗi nước theo hướng tích cực./.

https://vov.vn/the-gioi/israel-se-thiet-lap-quan-he-ngoai-giao-voi-cac-nuoc-arab-nao-nua-sau-uae-1085365.vov

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,