ILO cảnh báo tình trạng thiếu việc làm trên thế giới vì COVID-19

Thời sự
Đại dịch COVID-19 có thể khiến thế giới mất tới 25 triệu việc làm nếu các chính phủ không hành động nhanh chóng, ILO cảnh báo.

Ngày 18.3, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do đại dịch COVID-19 gây ra có thể khiến thế giới mất tới 25 triệu việc làm nếu các chính phủ không hành động nhanh chóng để bảo vệ người lao động khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, mà còn là một cuộc khủng hoảng thị trường lao động và khủng hoảng kinh tế lớn, ảnh hưởng lớn đến mọi người” - tờ Thời báo Kinh tế dẫn lời Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết.

“Tuy nhiên, nếu chúng ta có một phản ứng chính sách được điều phối quốc tế, như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, thì tác động đối với thất nghiệp trên toàn thế giới có thể thấp hơn đáng kể” - báo cáo của ILO cho biết.

Báo cáo đánh giá sơ bộ “COVID-19 và việc làm thế giới: Tác động và phản ứng”, kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên quy mô lớn và phối hợp trên ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích kinh tế - việc làm, và hỗ trợ việc làm - thu nhập.

Những biện pháp này bao gồm mở rộng bảo trợ xã hội, hỗ trợ duy trì việc làm (nghĩa là làm việc trong thời gian ngắn, nghỉ có lương, trợ cấp khác), giảm thuế kể cả cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, lưu ý đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ, cho vay và hỗ trợ tài chính cho các ngành kinh tế cụ thể.

Dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, các ước tính của ILO cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng từ 5,3 triệu (kịch bản thấp) và 24,7 triệu (kịch bản cao nhất) từ mức cơ bản là 188 triệu vào năm 2019. Để so sánh, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã làm tăng thất nghiệp toàn cầu lên 22 triệu.

Thất nghiệp dự kiến cũng ​​sẽ tăng trên diện rộng, vì hậu quả kinh tế của dịch bệnh làm giảm thời gian làm việc và tiền lương. Giảm việc làm cũng có nghĩa là mất thu nhập lớn cho người lao động, ước tính mất khoảng từ 860 tỉ đến 3,4 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2020. Điều này sẽ làm giảm tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, từ đó ảnh hưởng đến triển vọng của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nghèo đói dự kiến ​​cũng sẽ tăng đáng kể do các hoạt động kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng tới những người lao động gần hoặc dưới mức nghèo khổ. ILO ước tính rằng từ sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lâm vào tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới.

https://laodong.vn/the-gioi/ilo-canh-bao-tinh-trang-thieu-viec-lam-tren-the-gioi-vi-covid-19-791991.ldo

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,