Hà Nội đổi mới mô hình kinh tế trang trại để phát triển bền vững

Kinh tế Khắc Nam
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại nhằm đáp ứng nguồn cung nông sản an toàn cho Nhân dân Thủ đô, đồng thời còn góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, nguồn vốn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.

Thúc đẩy kinh tế nông thôn

Kinh tế trang trại được xem là thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội. Mô hình này đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, giúp người nông dân sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), hơn 5 năm trước, ông Nguyễn Văn Lâm (ở xứ đồng xã Cấn Hữu) đã bắt tay xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Trên diện tích 1,3ha, ông Lâm đã đầu tư khoảng 11 tỷ đồng để phát triển vườn cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi lợn.

Sản phẩm từ trang trại của ông Lâm đã liên kết tiêu thụ với Công ty CP thương mại 5S Pro và các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Quốc Oai. Hoạt động của trang trại được duy trì ổn định nhiều năm qua, mang lại doanh thu bình quân 20 tỷ đồng/năm. Ngoài ra còn tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ việc mở rộng quy mô, đưa công nghệ mới vào sản xuất, nhiều mô hình trang trại trên địa bàn huyện Thanh Oai cũng đã phát huy hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đơn cử như mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Lê Văn Trẻo ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) có diện tích 10ha, nuôi vịt và cá... Mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình 500-700 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.

Mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh
Mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh

Còn tại huyện Sóc Sơn, mô hình trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh của gia đình chị Nguyễn Thị Thoan vẫn phát triển ổn định trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà thịt. Giá bán cao hơn so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Thoan cho biết: Từ khi bắt tay vào phát triển kinh tế trang trại, gia đình chị hướng đến quy trình sản xuất sạch bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chuồng nuôi. Xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm thịt gà được giết mổ, đóng gói, hút chân không, được gắn tem nhãn. Khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đánh giá được chất lượng sản phẩm…

Đánh giá về hiệu quả của việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết: Kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố đang phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị.

Đối với trang trại chăn nuôi, đến nay giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 2,369 tỷ đồng/trang trại/năm; Trang trại tổng hợp là 2,834 tỷ đồng/trang trại/năm; Trồng trọt đạt 2,064 tỷ đồng/trang trại/năm... Nhìn chung, các trang trại phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn đầu tư, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Tập trung phát triển kinh tế trang trại theo chuỗi liên kết

Thống kê của ngành nông nghiệp Thủ đô cho thấy, hiện Hà Nội có có 1.759 trang trại (37 trang trại trồng trọt; 1.410 trang trại chăn nuôi; 191 trang trại nuôi trồng thủy sản; 1 trang trại lâm nghiệp và 120 trang trại tổng hợp). Kinh tế trang trại trên địa bàn Thành phố phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gia tăng giá trị, bền vững, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư và tạo nhiều việc làm cho người dân nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển kinh tế trang trại còn một số khó khăn về nguồn vốn, chất lượng nhân lực lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Hay nhiều chủ trang trại chưa chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu, việc liên kết giữa các trang trại còn hạn chế…

Đơn cử, tại nhiều địa phương, các trang trại hoạt động theo hướng tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm có nơi chưa bảo đảm nên sức cạnh tranh yếu. Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đưa được công nghệ mới vào sản xuất..., dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, bán ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, hiệu quả thấp.

Người dân chăm sóc rau vụ đông
Người dân chăm sóc rau vụ đông

Để tháo gỡ những “rào cản” trên, theo ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, cần phải có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, các sở, ngành cần tham mưu thành phố có chính sách cho vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, hay Quỹ Khuyến nông; Tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Cùng với đó là hỗ trợ các hoạt động liên kết để bao tiêu hàng hóa, nông sản cho người nông dân.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm... gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Mặt khác, Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.

Đồng thời đổi mới hướng tới phát triển bền vững kinh tế trang trại, triển khai các phương án sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện để các trang trại làm ăn hiệu quả phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…

Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế trang trại cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp và nông thôn.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và IPPG được vinh danh đạt chuẩn văn hoá kinh doanh

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và IPPG được vinh danh đạt chuẩn văn hoá kinh doanh

Tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp", Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) và ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã được vinh danh “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam 2023" do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng. Tại đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có bài chia sẻ đặc biệt với chủ đề "Bản sắc văn hóa đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam".

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,