Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội: Không đánh đố, vẫn phân loại được thí sinh

Tuổi trẻ giáo dục Ngọc Minh
Giáo viên Tổ Ngữ văn - Hệ thống Giáo dục HOCMAI vừa đưa ra gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội.
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội: Không đánh đố, vẫn phân loại được thí sinh

Phần I

Câu 1: Bài thơ Đồng chí được sáng tác năm 1948. Tác phẩm này được in trong tập “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu.

Câu 2:

1. Về hình thức

- Đoạn văn đảm bảo dung lượng: 12 câu.

- Hình thức lập luận: tổng – phân – hợp.

- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: có sử dụng phép lặp để liên kết và câu ghép (gạch chân, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép lặp và một câu ghép).

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng trong 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí.

b. Triển khai vấn đề

- Tình đồng chí bắt nguồn sâu xa từ tương đồng về cảnh ngộ xuất thân. Thành ngữ “nước mặn đồng chua” – vùng chiêm trũng ngập mặn và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá” – vùng trung du khô cằn - cho thấy họ đều là những người nông dân xuất thân từ những vùng quê lam lũ, nghèo khó.

- Tình đồng chí nảy sinh giữa những người lính chung lí tưởng, chung nhiệm vụ chiến đấu:

+ Trong hoàn cảnh đất nước có ngoại xâm, tình yêu quê hương thôi thúc họ cầm súng chiến đấu, chẳng hẹn mà cùng đứng chung một chiến hào.

+ Quá trình hình thành tình đồng chí diễn ra tự nhiên, những người lính từ “đôi người xa lạ” đến từ mọi vùng quê khác nhau gắn kết thành tình tri kỉ.

+ Các hình ảnh sóng đôi “súng”, “đầu” kết hợp với điệp ngữ “bên” gợi sự đồng hành, gắn kết trong nhiệm vụ, xóa đi khoảng cách vùng miền giữa những người lính.

- Tình đồng chí bền chặt trong sự chan hòa chia sẻ vui buồn, gian lao của cuộc kháng chiến chống Pháp:

+ “Chung chăn” trong “đêm rét” là chung khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời người lính, chung hơi ấm để vượt qua giá lạnh và gắn kết bên nhau.

+ Từ “đôi người xa lạ”, những người chiến sĩ trở thành “đôi tri kỉ”, cùng nếm trải, sẻ chia những vui buồn của cuộc đời người lính đến thấu hiểu nhau sâu sắc.

- Dòng thơ “Đồng chí!” là dòng thơ đặc biệt bởi chỉ có 2 tiếng và dấu chấm than nhưng lại là một trong những câu quan trọng bậc nhất, là linh hồn của cả bài thơ:

+ Lời thơ cất lên trong niềm xúc động lắng sâu, tựa như một nốt nhấn trong một bản nhạc tâm tình của người lính.

+ Tiếng gọi “đồng chí” vang lên như một khám phá, một nhận thức, một lời khẳng định giản dị, mộc mạc mà rất đỗi thiêng liêng, tự hào về tình đồng chí – tình cảm cách mạng mới mẻ trong cách mạng, tình bạn, tình đồng đội, tình người trong chiến tranh.

+ Câu thơ như một cái bản lề khép mở, gắn kết hai ý thơ: cơ sở của tình đồng chí (đoạn 1) và biểu hiện của tình đồng chí (đoạn 2).

- Nghệ thuật: Bằng cách sử dụng thể thơ tự do, kết cấu sóng đôi và mạch thơ vận động từ các hình ảnh riêng rẽ đến hòa hợp, thống nhất, Chính Hữu đã lí giải cơ sở của tình đồng chí giản dị mà xúc động, thiêng liêng.

Câu 3: Hình ảnh “Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” giúp người đọc cảm nhận được tình đồng chí, đồng đội sâu nặng của những người lính:

- Họ đoàn kết gắn bó, “kề vai sát cánh” trước trận chiến.

- Họ truyền trao hơi ấm, làm điểm tựa tinh thần cho nhau, giúp nhau vượt lên trên khó khăn, nguy hiểm.

- Họ bình tĩnh, tự tin, chủ động đón đánh địch.

Nhận định về đề Ngữ văn, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng: Đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc 2 phần như mọi năm với việc đọc hiểu 2 loại văn bản và tích hợp yêu cầu viết tương ứng. Số lượng câu hỏi giảm đi phù hợp với thời gian thi được rút ngắn là 90 phút. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài.

Về ngữ liệu: Như các năm gần đây, ngữ liệu vẫn sử dụng trong SGK Ngữ văn 9, trải đều cả hai học kì. Tuy ngữ liệu quen thuộc nhưng câu hỏi đã khai thác khá tốt, nêu bật được những nội dung quan trọng của ngữ liệu.

Về độ phân hoá: Độ phân hoá rất tốt khi chỉ còn 1 câu hỏi ở mức nhận biết, 2 câu hỏi ở mức thông hiểu và 2 câu hỏi ở mức vận dụng cao. Nhận định cụ thể từng phần như sau:

Phần I (6,0 điểm): Trích đoạn bài thơ “Đồng chí” quen thuộc, là một trong những văn bản quan trọng của chương trình, càng quan trọng hơn ở tính thời sự khi tình đồng chí cần được mở rộng quan niệm, phát huy giá trị trong những ngày cả nước đang đương đầu cùng “giặc” Covid-19. Ngoại trừ câu hỏi 1 giúp thí sinh dễ dàng có điểm, yêu cầu viết đoạn văn nghị luận ở câu 2 không gây khó ở cấu trúc tổng - phân - hợp nhưng yêu cầu sử dụng câu ghép và phép lặp đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng viết khá tốt, nếu không sẽ vướng phải lỗi vụng về trong diễn đạt. Câu hỏi 3 rất thú vị khi nêu ra vấn đề ở 1 câu thơ ít được chú ý trong đoạn cuối. Vấn đề được nêu ra khá hay, lạ và thống nhất với nội dung các câu hỏi trên, tăng tính liên kết cho phần 1.

Phần II (4,0 điểm): Ngữ liệu chọn lọc khá hay. Câu hỏi 1 gắn với nội dung câu chuyện ở trên nhưng đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về giá trị của chiều sâu tri thức đối với con người từ đó sẽ có thêm lí lẽ và dẫn chứng để thực hiện câu hỏi thứ 2. Hơn thế, câu hỏi 2 đã đặt ra một vấn đề rất ý nghĩa.

Từ việc định nghĩa tri thức, làm rõ được ý nghĩa của điều này trong việc xác lập giá trị con người, thí sinh có thể nghĩ thêm về những cách thức để củng cố, bổ sung, làm giàu thêm cho vốn tri thức của bản thân và đem vốn tri thức ấy phục vụ có ích cho nhân sinh.

Vấn đề “rèn đức” bên cạnh “luyện tài” không mới, nhưng trình bày khéo léo thông qua cách đặt vấn đề sâu sắc, khơi gợi được định hướng giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất đang được đẩy mạnh; đó chính là điểm sáng đáng ghi nhận của yêu cầu đề.

Thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định đề thi năm nay rút ngắn thời gian làm bài, tương ứng với đó thì dung lượng đề thi có sự giảm đi. Cụ thể số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ giảm xuống còn 5 ý nhỏ thay vì 7 ý như đề thi năm trước.

Đề thi có cấu trúc vẫn giữ ổn định như mọi năm, học sinh sẽ cảm thấy quen thuộc. Điểm mới ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa tri thức và giá trị con người nhưng câu lệnh được đưa ra dạng câu nghi vấn: “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Cách đặt vấn đề như vậy nó sẽ giàu tính gợi mở để cho học sinh có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, được tự do thể hiện quan điểm cá nhân.

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) cũng đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.

Ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi “Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?”. Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 – 7 điểm.

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ: "Điểm thay đổi lớn nhất trong năm nay không chỉ ở thời gian làm bài 90 phút mà cả biểu điểm đoạn văn tăng lên.

Các em học sinh cần viết chắc, triển khai luận điểm rõ ràng, phân tích dẫn chứng đầy đủ trong đoạn văn nghị luận xã hội đồng thời khi viết đoạn văn nghị luận về thơ cần thể hiện rõ năng lực cảm thụ, phân tích các biện pháp nghệ thuật để từ đó khái quát giá trị nội dung.

Vì thế các em cần đọc kĩ đề bài, tập trung vào vấn đề và phân bố thời gian làm bài hợp lí, hiệu quả, tránh viết thừa, dài dòng".

Ninh Thuận: Mang Tết Trung thu ấm áp đến với các em thiếu nhi

Ninh Thuận: Mang Tết Trung thu ấm áp đến với các em thiếu nhi

Nhằm mang đến cho thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trẻ em tại tại các cơ sở bảo trợ xã hội một mùa Trung thu ấm áp, ý nghĩa, Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí cho các em.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,