Công an hiến máu mùa dịch COVID-19: Cuộc chiến nào cũng không tiếc máu xương

Thời sự
Ở bất kể cuộc chiến nào, người chiến sĩ công an đều không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến cả trí tuệ, sức lực cho đất nước.

Dự kiến hiến gần 100.000 đơn vị máu

Tháng 4/2020, là thời điểm cả nước thực hiện cách ly xã hội để "chiến đấu" với dịch bệnh COVID-19 cũng là thời điểm 20 năm Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" (7/4/2000 - 7/4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước kêu gọi hiến máu cứu người.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước các bộ, ngành đã tích cực hưởng ứng tham gia. Trong đó đáng chú ý sự tham gia hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Ngay sau lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã viết Thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần vì nhân dân phục vụ, thực hiện các công điện Mệnh lệnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh trấn áp tội phạm và phòng chống dịch COVID-19; đồng thời với nghĩa cử cao đẹp "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" để hăng hái tình nguyện tham gia hiến máu và vận động mọi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn cùng tham gia hiến máu cứu người.

Công an hiến máu mùa dịch COVID-19: Cuộc chiến nào cũng không tiếc máu xương - 1

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, trực tiếp tham gia hiến máu tình nguyện: Ảnh (NLĐ)

Trong lúc cả hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước căng mình đối mặt với COVID-9 để sớm dập dịch, mọi nguồn lực đều ưu tiên cho y tế. Y tế không chỉ tập trung cho những ca bệnh COVID-19 mà còn song hành chữa trị nhiều bệnh khác.

Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, một số ngành nghề phải tạm ngưng… là một trong những khó khăn ít nhiều tác động đến cuộc sống của người dân. Bởi vậy, trong bối cảnh này lời kêu gọi hiến máu nhân đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng như lời kêu gọi của Đại tướng Tô Lâm vừa nhân văn vừa có sức lay động và lan tỏa rõ rệt.

Ở những cuộc ủng hộ vật chất mỗi người có thể "tùy tâm", có thể phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bản thân nhưng hiến máu cứu người là một nghĩa cử đẹp mà bất kỳ người khỏe mạnh nào cũng có thể thực hiện được.

Đây là thông điệp đánh thức tất cả chúng ta, tất cả những trái tim nhân ái và sẵn lòng cho đi một phần sự sống của bản thân để cứu giúp đồng loại.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, song song với những nhiệm vụ được giao khác, lực lượng công an còn là một trong những lực lượng đầu tiên hưởng ứng và đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Từ 8-14/4 lực lượng công an đã hiến 6.000 đơn vị máu.

Dự kiến đến 28/4 sẽ có thêm khoảng 4.000 – 5.000 đơn vị máu. Nếu năng lực của các đơn vị tăng lên, lực lượng công an dự kiến hiến 100.000 đơn vị máu.

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, máu cứu người đang ngày càng cạn kiệt, lời kêu gọi lực lượng công an hiến máu cứu người của Bộ trưởng Tô Lâm như một mệnh lệnh "mềm" trong toàn quân vừa nhân văn, lại có sức động viên, cổ vũ.

Nhiều cấp lãnh đạo của lực lượng công an trở thành tấm gương đi đầu hiến máu và trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp. Mỗi chiến sĩ công an như thấy việc hiến máu cứu người là trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

Kết quả thu được sau đợt hiến máu cứu người từ lực lượng công an là một trong những đơn vị hiến nhiều đơn vị máu nhất trong đợt dịch vừa qua chính là câu trả lời thuyết phục nhất sau lời kêu gọi.

Cuộc chiến nào cũng không quản ngại khó khăn

Bất kể người nào hiến máu cứu người cũng trở thành hình ảnh đẹp, có sức lan tỏa và được ghi nhận. Nhưng có lẽ, hình ảnh những người công an hiến máu mang dấu ấn đậm nét trong lòng nhiều người. Bởi họ vừa giữ chắc tay súng giữ bình yên cuộc sống, sẵn sàng đổ máu, đánh cược cả mạng sống của mình để đấu tranh với cái xấu, loại bỏ cái xấu.

Và ngay cả trong cuộc chiến không tiếng súng, phải đối mặt với bệnh tật hiểm nghèo thì họ cũng sẵn sàng dâng hiến những giọt máu quý giá đang chảy trong huyết quản của mình.

Trong cuộc chiến thầm lặng ấy, họ cũng như bao người công dân bình dị đầy nhân ái. Họ sẵn sàng cứu giúp những con người khó khăn, lương thiện, cần sự giúp đỡ, khát khao được sống khỏe mạnh để trở thành người trụ cột cho gia đình, có ích cho đất nước nhờ những giọt máu nhân đạo của mình.

Công an hiến máu mùa dịch COVID-19: Cuộc chiến nào cũng không tiếc máu xương - 2

Trong lúc cả hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước căng mình đối mặt với Covid – 19 thì lực lượng công an vẫn luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. (Hình ảnh các lãnh đạo Văn Phòng Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tham gia hiến máu tại Lễ phát động phong trào hiến máu tình nguyện trong lực lượng Công an nhân dân với chủ để “Hành trình giọt máu nghĩa tình”)

Dù ở cuộc chiến nào, người chiến sĩ công an đều không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến cả trí tuệ, sức lực cho đất nước được bình yên, sẵn sàng hiến cả máu để cứu giúp con người.

Đây chính là hình ảnh nhân văn nhất, đẹp nhất, mang lại thiện cảm nhất trong lòng quần chúng nhân dân "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta, không ai mong muốn những điều không tốt đẹp như bệnh tật, tai nạn rủi ro ập đến. Nhưng có những nguy cơ, sự thiếu may mắn không thể tránh được với sức khỏe bản thân thì không có cách nào khác phải bình tĩnh đối diện và chiến đấu để chiến thắng.

Và nếu trên chặng đường chông gai đó bỗng có người đồng hành, có bàn tay ai đó chìa ra, sẵn sàng nâng đỡ thì mọi khó khăn sẽ vượt qua. Đây là một trong những thử thách mà có lẽ phải đặt trong hoàn cảnh chúng ta mới thấu hiểu và nhận ra rõ nhất.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ công an tích cực, đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người sau lời kêu gọi của của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại tướng Tô Lâm đã khiến người dân hiểu hơn, tin yêu hơn lực lượng công an.

Họ đã cho chúng ta thấy dân tộc ta, bất kỳ hoàn cảnh nào mọi lực lượng cũng cùng chung quyết quản dòng máu Việt Nam, dòng máu của sự nhân ái, đồng lòng, đoàn kết trong mọi cuộc chiến cam go.

Đồng thời hình ảnh này khích lệ, tô đậm truyền thống tốt đẹp hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, và "cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước" như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Xúc động bức thư Bộ trưởng Tô Lâm khen 2 cán bộ, chiến sĩ công an tình nguyện hiến máu cứu người

Chiều 14/4/2020, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi Thư khen đến Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Sơn La và Thượng úy Nguyễn Thành Công, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk vì đã có những hành động đẹp, cao cả và nhân văn, tích cực tham gia phong trào tình nguyện hiến máu cứu người.

Lãnh đạo Bộ Công an được báo cáo: Tại Sơn La, ngày 25/3/2020, chị Thào Thị Dy, sinh năm 1994, trú tại bản Hua Ngáy, xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng mất máu nhiều nguy hiểm đến tính mạng, cần truyền gấp 4 đơn vị máu thuộc nhóm máu hiếm, trong khi đó dự trữ máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đang thiếu, gia đình chị Dy không có ai cùng nhóm máu với chị.

Trong lúc cả gia đình đang tuyệt vọng, không biết nhờ ai để hiến máu thì Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Sơn La đã nhanh chóng đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La để hiến máu truyền cho chị Thào Thị Dy, kịp thời cứu chị Dy vượt qua cơn nguy hiểm đối với tính mạng, trao lại cuộc sống và niềm vui cho gia đình chị Dy.

Tại Đắk Lắk, Thượng úy Nguyễn Thành Công, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã hơn 30 lần hiến máu hiếm tình nguyện, trong đó có nhiều lần đến Bệnh viện hiến máu để kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm.

Những hành động của đồng chí Vàng Ly Công và đồng chí Nguyễn Thành Công đã thể hiện bản chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ, mang tính nhân văn cao cả, là những chiến sĩ tiên phong, đi đầu hưởng ứng, thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện" và Thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, tôi đặc biệt biểu dương, khen ngợi đồng chí Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Sơn La, đồng chí Thượng úy Nguyễn Thành Công, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã có những hành động đẹp, cao cả và nhân văn, tích cực tham gia phong trào tình nguyện hiến máu cứu người.

Tôi đề nghị Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Đắk Lắk có những chính sách khen ngợi, động viên kịp thời đối với hai đồng chí. Đồng thời, tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào tình nguyện hiến máu trong đơn vị; chủ động phối hợp với các Cơ sở y tế ở địa phương để tổ chức hiến máu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

https://vtc.vn/tin-tuc-24h/cong-an-hien-mau-mua-dich-covid-19-cuoc-chien-nao-cung-khong-tiec-mau-xuong-ar540700.html

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,