Cô gái dân tộc Thái với đam mê múa

Tuổi trẻ
Vào trường đại học khi tuổi đã gần 30, tự sinh sống bằng nghề múa khi còn là sinh viên, nhiều thành tích xuất sắc trong học tập… đó là chân dung của cô gái dân tộc Thái Quàng Thị Quỳnh Anh, sinh viên ngành Biên đạo múa, khoa Múa, trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh

Với hoàn cảnh hết sức đặc biệt, cô sinh viên 32 tuổi người dân tộc thiểu số đã mạnh mẽ vươn lên và đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ

Không ngừng ước mơ được học về nghệ thuật

Quỳnh Anh là người dân tộc Thái sinh ra tại tỉnh Điện Biên. Gia đình cô gái có điều kiện kinh tế khó khăn, lại không có ai theo nghệ thuật. Bản thân cô yêu thích múa từ khi còn nhỏ. Quỳnh Anh còn nhớ những lần hiếm hoi được xem các chương trình nghệ thuật trên sóng truyền hình, từ đó tình yêu với nghề múa cứ nhen nhóm trong lòng.

Quỳnh Anh sôi nổi trong các cuộc thi chuyên môn
Cô gái dân tộc Quỳnh Anh sôi nổi trong các cuộc thi chuyên môn

Khi Quỳnh Anh 15 tuổi, cô vô tình xem được thông báo trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội về tỉnh Điện Biên tuyển sinh hệ trung cấp (thường tuyển sinh các bạn từ 12 tuổi). Sẵn có niềm đam mê ấp ủ, cô lập tức đăng kí thi mặc dù đã lớn tuổi hơn so với các thí sinh khác.

May mắn trúng tuyển, cô gái dân tộc lần đầu được tiếp xúc với nghệ thuật một cách trực tiếp, bài bản. Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, Quỳnh Anh trở về quê hương làm việc 8 năm nhưng bản thân không bao giờ ngừng mơ ước được học tiếp lên đại học ngành Biên đạo múa.

Nhận thấy nguồn lực ngành múa ở tỉnh nhà còn đang thiếu về con người và chất lượng chuyên môn, Quỳnh Anh đăng ký học ngành Biên đạo múa tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm ấy, cô cũng là thủ khoa đầu vào khoa Múa.

Quỳnh Anh tại Đại hội Học sinh sinh viên tiêu biểu toàn quốc 2019
Quỳnh Anh tại Đại hội Học sinh sinh viên tiêu biểu toàn quốc 2019

Lại một lần nữa rời mảnh đất Điện Biên, xa con nhỏ mới 3 tuổi và chồng, Quỳnh Anh đi xây tiếp ước mơ với nghề múa. Năm đầu học đại học, gia đình cô có biến cố lớn, mẹ vừa chữa trị ung thư, bố cô một thời gian ngắn sau đó cũng mắc bệnh hiểm nghèo và mất.

“Thực sự đó là một cú sốc lớn đối với tôi, lúc ấy tôi cảm thấy ân hận vì đã không ở cạnh chăm sóc bố chu đáo và có ý định muốn nghỉ học. Sau đó, gia đình, bạn bè đã luôn ở bên động viên tôi. Tôi nhận ra mình càng phải cố gắng phấn đấu để báo hiệu bố mẹ và để bố tôi luôn cảm thấy hãnh diện về con gái mình”, Quỳnh Anh xúc động chia sẻ.

Nỗ lực học không bao giờ muộn

Kinh tế khó khăn, vừa phải lo cho con nhỏ, vừa chi trả phí sinh hoạt của bản thân, Quỳnh Anh đã tranh thủ thời gian ngoài giờ để đi diễn quanh Hà Nội và các tỉnh khác kiếm thêm thu nhập.

Tác phẩm dự thi tốt nghiệp của Quàng Thị Quỳnh Anh
Tác phẩm dự thi tốt nghiệp của Quàng Thị Quỳnh Anh

Cô sinh viên sinh năm 1988 chia sẻ: “Có lúc học cả ngày trên trường, sau đó tôi lại tiếp tục đi tập, dựng bài cho các cơ quan đơn vị đến 11, 12h đêm. Về nhà tôi lại tất bật chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau. Bận rộn, mệt mỏi về cơ thể nhưng tôi cảm thấy vui vì được sống bằng chính nghề mình yêu và thấy bản thân đang tiến bộ dần lên”.

Ý thức được bản thân là một sinh viên lớn tuổi, có mặt hạn chế là đã bỏ bẵng việc học một thời gian dài, thế nên Quỳnh Anh càng cố gắng hơn. Những lí thuyết được học ở các môn đại cương cô đều nghiền ngẫm kĩ càng, chắt lọc vận dụng vào các môn chuyên ngành.

Chính vì thế, Quỳnh Anh xuất sắc trở thành thủ khoa tốt nghiệp của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 2020. Cô cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi chuyên môn và để lại ấn tượng sâu sắc như: Giải Nhì thi tài năng học sinh sinh viên khoa Múa năm 2017; Huy chương Bạc biên đạo múa đơn ca “Hát đợi anh về” tại liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018...

Cô thủ khoa xuất sắc tại lễ tốt nghiệp cùng thầy cô và bạn bè
Cô thủ khoa xuất sắc tại lễ tốt nghiệp cùng thầy cô và bạn bè

Thủ khoa trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh từng được nhận danh hiệu Sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu giai đoạn 2017 – 2019 và đạt học bổng Vừ A Dính năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Quỳnh Anh chia sẻ: “Khi được nhận học bổng tôi rất vui và tự hào vì mình là con em dân tộc thiểu số được vinh dự đón nhận phần thưởng này. Bản thân tôi tự hứa rằng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu cũng như truyền cảm hứng cho các bạn dân tộc thiểu số như mình. Qua phần thưởng này tôi muốn khẳng định, sự cố gắng nỗ lực trong học tập sẽ không bao giờ là muộn”.

Mặc dù có nhiều lời mời ở lại Hà Nội làm việc nhưng Quỳnh Anh vẫn quyết định quay lại cơ quan Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên để cống hiến. Cô mong muốn đưa về đơn vị những điều mới mẻ mà mình đã được học tập. Từ đó, cùng lãnh đạo, đồng nghiệp đưa Đoàn phát triển hội nhập cùng xu hướng nghệ thuật mới trong nước và quốc tế.

https://tuoitrethudo.com.vn/co-gai-dan-toc-thai-voi-dam-me-mua-144759.html
Hà Nội phải là nôi của các phong trào, giải pháp mới

Hà Nội phải là nôi của các phong trào, giải pháp mới

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cần sẵn sàng nhận trách nhiệm đầu tàu dẫn dắt công tác Hội và phong trào sinh viên cả nước. Hà Nội phải là cái nôi của các phong trào, mô hình, giải pháp mới để nhân rộng trên cả nước trong nhiệm kỳ tới.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,