Cây phượng đổ, đè trúng nhiều học sinh: Sẽ rà soát toàn bộ cây xanh ở TP.HCM

Thời sự
Sở Xây dựng TP.HCM sẽ rà soát toàn bộ cây xanh ở thành phố, nếu không an toàn và bị hạn chế trồng sẽ được xử lý, cần thiết sẽ đốn bỏ.

Liên quan đến sự việc cây phượng đổ, đè khiến một học sinh thiệt mạng và 12 học sinh khác bị thương nặng, ông Nguyễn Vạn Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) cho biết, cây phượng vĩ bị đổ sáng 26/5 được trồng từ năm 1996.

Hàng năm, Trường đều có thuê công nhân công ty cây xanh đến cắt tỉa, chăm sóc cây. Trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch, Trường cũng thực hiện cắt tỉa các cành cây để giảm nguy cơ khi dông lốc. Đây là công việc được Trường thực hiện thường xuyên.

Thế nhưng, sự việc xảy ra sáng 26/5 khiến cho trường bất ngờ, bối rối.

"Hiện trong khuôn viên Trường cũng còn một cây phượng rất lớn khác với tuổi thọ nhiều hơn. Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng có đến khảo sát, tư vấn và Trường đồng ý với việc sẽ đốn hạ cây này trong thời gian tới. Sau khi đốn cây phượng còn lại, trong sân Trường sẽ chỉ còn các cây kiểng nhỏ để trang trí. Chúng tôi muốn đốn hạ cây hay chăm sóc đều cần đến ý kiến của các cơ quan chuyên môn", ông Phúc cho biết.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cây phượng là loại cây nằm trong danh mục hạn chế trong khu vực đô thị, nhất là những cây phượng có đường kính trên 30cm. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm hạ tầng Thành phố kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh tại tất cả các quận, huyện, cơ quan công sở, trường học.

Cây phượng đổ, đè trúng nhiều học sinh: Sẽ rà soát toàn bộ cây xanh ở TP.HCM - 1

Khoảnh khắc cây phượng đổ xuống, đè trúng nhiều học sinh.

Đối với những cây xanh không đủ an toàn và bị hạn chế trồng sẽ được xử lý an toàn, cần thiết sẽ đốn bỏ nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, người dân…

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, vụ tai nạn bật gốc cây trong trường học gây thương vong là trường hợp đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố. Hằng năm, Sở đều có công văn yêu cầu các trường rà soát an toàn trong trường học bao gồm cả yếu tố cây xanh trước khi bắt đầu năm học mới và trước mùa mưa bão.

Sau sự việc lần này, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trong khuôn viên của hơn 2.000 trường học trên địa bàn.

"Mỗi năm, Sở có văn bản 2 lần vào tháng 3 và tháng 8 về vấn đề đảm bảo an toàn trong trường học. Trên 2.000 trường ở TP.HCM thực hiện rất tốt công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Sự việc cây đổ vào sáng 26/5 là sự cố đáng tiếc. Đây là bài học để các ban, ngành tiếp tục công tác bảo đảm an toàn trường học, tiếp tục công tác kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chuyên môn", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay.

Liên quan đến việc ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và giáo viên tại Trường THCS Bạch Đằng, ông Trần Quang Bá - Quyền Chủ tịch UBND Quận 3 (TP.HCM) cho biết, ngay khi sự cố xảy ra, nhà trường cử người tiếp xúc và trấn an học sinh, phụ huynh.

Trong những ngày tới, nếu có trường hợp bị sang chấn tâm lý nặng, Phòng GD&ĐT Quận 3 sẽ cử các chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp để hỗ trợ, đảm bảo để các em hoàn thành chương trình năm học. Qua sự việc, Quận 3 cũng chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng các trường trên địa bàn quận xem lại cây xanh trong sân trường để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hiện Công an Quận 3 vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân sự cố cây gãy đổ.

https://vtc.vn/tin-tuc-24h/cay-phuong-do-de-trung-nhieu-hoc-sinh-se-ra-soat-toan-bo-cay-xanh-o-tphcm-ar548224.html

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,