Cạnh tranh tìm vắc-xin ngừa Covid-19

Thời sự
Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang cạnh tranh để trở thành nơi đầu tiên phát triển thành công vắc-xin ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19

Theo báo The New York Times, dù đã có sự hợp tác ở nhiều cấp độ - bao gồm cả những công ty đang cạnh tranh khốc liệt, nỗ lực này đang bị phủ bóng bởi hướng tiếp cận mang tính chủ nghĩa dân tộc có thể trao cho người chiến thắng cơ hội giành thế thượng phong trong việc giải quyết hậu quả kinh tế và địa chiến lược từ khủng hoảng Covid-19.

Đằng sau cuộc đua này là một sự thật khắc nghiệt: Bất cứ vắc-xin mới nào được chứng minh là hiệu quả trong việc chống lại Covid-19 chắc chắn sẽ "cháy hàng", bởi chính phủ các nước đang nỗ lực để bảo đảm người dân nước họ được tiêm chủng đầu tiên.

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Tại Trung Quốc, 1.000 nhà khoa học đang nghiên cứu một loại vắc-xin và vấn đề đã được quân sự hóa. Các nhà khoa học này đã hợp tác với Viện Khoa học Quân y phát triển loại vắc-xin được mô tả là ứng viên thành công hàng đầu và đang tuyển dụng tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng.

"Trung Quốc sẽ không chậm chân hơn các nước khác" - chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm sinh học Wang Junzhi, Học viện Khoa học Trung Quốc, tuyên bố.

Cạnh tranh tìm vắc-xin ngừa Covid-19 - Ảnh 1.

Một nhà nghiên cứu làm việc để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 tại Công ty thuốc RNA Arcturus Therapeutics - Mỹ hôm 17-3. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã trò chuyện với các giám đốc điều hành trong ngành dược để bảo đảm vắc-xin được sản xuất tại Mỹ và do Mỹ kiểm soát nguồn cung. Giới chức chính phủ Đức cho rằng Tổng thống Donald Trump đã tìm cách thuyết phục Công ty CureVac (Đức) nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại Mỹ. Trong một động thái theo sau thông tin này, Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết thêm 85 triệu USD cho CureVac, vốn đã nhận được sự hỗ trợ từ một hiệp hội vắc-xin của châu Âu.

Cùng ngày, một công ty Trung Quốc đề xuất chi 133,3 triệu USD mua cổ phần bên cạnh những đề nghị khác đối với BioNTech (Đức), sau khi công ty này gia nhập cuộc đua phát triển vắc-xin.

Một vài chuyên gia cho rằng cạnh tranh địa chính trị là lành mạnh, miễn sao mọi thành công đều được chia sẻ với thế giới - điều mà giới chức chính phủ các nước thường xuyên cam kết. Tuy nhiên, họ không nói về việc chia sẻ như thế nào hay quan trọng hơn là khi nào.

Nhiều nhà phân tích nhớ lại chuyện từng xảy ra đối với dịch cúm heo (H1N1) năm 2009. Khi ấy, một trong những công ty đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vắc-xin đơn liều tại Úc bị buộc đáp ứng nhu cầu trong nước, trước khi được phép xuất khẩu sang Mỹ và những nước khác.

Giám đốc điều hành các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới hôm 19-3 cho biết họ đã làm việc cùng nhau, cũng như với chính phủ các nước để bảo đảm vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển nhanh nhất có thể và được phân phối một cách công bằng. Tuy nhiên, họ kêu gọi chính phủ các nước không tích trữ một khi vắc-xin được phát triển thành công, đồng thời cho rằng hành động này sẽ hủy hoại mục tiêu rộng lớn hơn: Dập tắt đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Cơ quan Giám sát quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor ngày 20-3 thông báo các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu virus và Công nghệ sinh học Vector ở TP Novosibirsk đã phát triển thành công các nguyên mẫu vắc-xin ngừa Covid-19 dựa trên 6 nền tảng công nghệ khác nhau. Quá trình thử nghiệm đã được bắt đầu để tìm hiểu liều lượng cũng như mức độ hiệu quả của các nguyên mẫu, Rospotrebnadzor khẳng định đồng thời cho biết các nhà khoa học hy vọng có thể phát triển thành công vắc-xin vào 3 tháng cuối năm 2020.

Trước đó 1 ngày, theo đài CNN, các nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ) đã sử dụng siêu máy tính chạy hàng ngàn mô phỏng để phân tích và xác định được 77 hợp chất thuốc có thể ngăn chặn virus lây nhiễm tế bào chủ, qua đó đẩy nhanh nỗ lực phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả nhất.

Những con số ám ảnh

Ý sẽ tăng cường và gia hạn phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã vượt qua Trung Quốc và cao nhất thế giới.

Chính quyền Thủ tướng Ý Giuseppe Conte ngày 20-3 cũng cân nhắc gia hạn lệnh cấm đối với các hoạt động không cần thiết đến ít nhất là ngày 1-5, đồng thời có thể triển khai quân đội giúp thực thi các lệnh phong tỏa. Trong khi đó, binh sĩ đã được triển khai ở các khu vực Sicily và Calabria. Theo đài CNN, trước đó một ngày, với số ca tử vong do dịch Covid-19 tăng thêm 427 lên 3.405 và tổng số ca nhiễm được ghi nhận là 41.035, Ý là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu.

Một trong những quốc gia thiệt hại nhiều nhất trong đại dịch Covid-19 là Iran, nơi có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ý. Ông Kianoush Jahanpour, người phát ngôn Bộ Y tế Iran, cho biết cứ mỗi 10 phút lại có một trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Iran và cứ mỗi 1 giờ lại có thêm 50 ca nhiễm mới được ghi nhận. Bộ Y tế Iran cho hay có đến 149 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong ngày 19-3, nâng tổng số trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới lên tới 1.433 người. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm được ghi nhận ít nhất là 19.644.

Đến nay, ít nhất 243.162 ca nhiễm và hơn 10.284 ca tử vong liên quan đến Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu.

Xuân Mai

Mỹ, Úc tăng cường bảo vệ kinh tế

Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, hôm 19-3 đưa ra dự luật về gói hỗ trợ 1.000 tỉ USD để giúp nền kinh tế bớt thiệt hại từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19). Theo ông McConnell, dự luật tập trung vào 4 ưu tiên khẩn cấp hiện nay - cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân, giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ và người lao động, ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân trong cuộc chiến chống Covid-19.

Dự luật còn cần các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ xem xét trước khi thời điểm bỏ phiếu được ấn định. Trong trường hợp qua ải Thượng viện, dự luật phải được Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát thông qua trước khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật.

16-kinh-te-

Thực phẩm được vét sạch tại một cửa hàng tạp hóa ở TP Sydney - Úc hôm 18-3 giữa lúc có nỗi lo về dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS

Ông McConnell thúc giục Đảng Dân chủ và Nhà Trắng nhanh chóng hành động trong bối cảnh số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên ít nhất 200, trong lúc số ca bệnh là hơn 13.000. Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng lên 20% nếu Washington không có hành động nhanh chóng.

Điều đáng nói là theo nhà đầu tư nổi tiếng Ray Dailo, gói kích thích tài chính nói trên nên có quy mô tối thiểu là 1.500-2.000 tỉ USD bởi doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại đến 4.000 tỉ USD vì dịch Covid-19. Với các doanh nghiệp trên thế giới, con số tổn thất có thể lên đến 12.000 tỉ USD.

Nỗi lo về tác động sâu rộng của dịch Covid-19 khiến chính phủ Úc dự kiến trong vài ngày tới công bố gói kích thích kinh tế thứ hai nhằm bảo vệ nền kinh tế trước sức tàn phá của dịch bệnh. Truyền thông địa phương tiết lộ gói kích thích kinh tế này tương đương 3%-4% GDP nước Úc (hiện vào khoảng 2.000 tỉ AUD). Vào tuần rồi, Úc cho biết sẽ chi 17,6 tỉ AUD trong nỗ lực ngăn đất nước rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong gần 30 năm.

Hoàng Phương

Cao Lực

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/canh-tranh-tim-vac-xin-ngua-covid-19-20200320213146005.htm

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,