Bộ Chính trị ban hành quy định mới về kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm

Trong nước Anh Đức
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 69/QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định mới này thay thế Quy định số 07-QĐi/TW và Quy định số 102-QĐ/TW.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Không điều động, bổ nhiệm đảng viên đang bị xem xét kỷ luật

Quy định số 69/QĐ/TW nêu rõ: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời.

Việc thi hành kỷ luật phải đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của Đảng. Khi xem xét kỷ luật, phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra.

Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật, nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.

Sau 12 tháng, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ đối với đảng viên hoặc quyết định kỷ luật giải tán đối với tổ chức đảng), nếu tổ chức đảng, đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, sai, thì tổ chức đảng ra quyết định kỷ luật phải huỷ bỏ hoặc thay đổi quyết định kỷ luật cho phù hợp; nếu tổ chức đảng không thực hiện thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan, sai, nếu có vi phạm đến mức phải kỷ luật thì xử lý theo quy định.

Đảng viên vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bị truy nã, bị toà án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì khai trừ ra khỏi Đảng; nếu hình phạt nhẹ hơn cải tạo không giam giữ thì tuỳ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để thi hành kỷ luật đảng tương xứng. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan bảo vệ pháp luật thi hành kỷ luật, khởi tố bị can hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải quyết định thi hành kỷ luật về Đảng.

Quy định số 69/QĐ/TW cũng chỉ rõ: Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước đối với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật.

Cũng theo Quy định số 69/QĐ/TW, thời hiệu kỷ luật tổ chức đảng vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo. Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với những vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng đó, thời hiệu kỷ luật đảng viên vi phạm là 5 năm (60 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khiển trách; 10 năm (120 tháng) đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Không áp dụng thời hiệu kỷ luật đối với vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức khai trừ; vi phạm chính trị nội bộ; vi phạm quốc phòng, an ninh, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.

Quy định mới cũng nêu một số tình tiết cụ thể được xem xét, giảm nhẹ mức kỷ luật và một số tình tiết có thể dẫn tới phải xem xét, tăng nặng mức kỷ luật.

Về hình thức kỷ luật, Quy định số 69/QĐ/TW quy định: Đối với tổ chức đảng gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán; Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ; Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.

Quy định số 69/QĐ/TW dành toàn bộ Chương II nêu các hành vi vi phạm dẫn tới kỷ luật tổ chức đảng và hình thức kỷ luật tương ứng như vi phạm chủ trương, quy định của Đảng; Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ và công tác đảng viên; Vi phạm quy định về bầu cử...

Tiếp đó, Chương III nêu các hành vi vi phạm dẫn tới kỷ luật đảng viên và hình thức kỷ luật tương ứng như: Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ; Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn; Vi phạm quy định công tác tổ chức, cán bộ...

Những trường hợp bị khiển trách

Đáng chú ý, tại Điều 30, Quy định số 69/QĐ/TW có nêu hành vi “Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền”. Trong đó, Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn;

Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân; Đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình; Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác;

Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân; Trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Trường hợp đã kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định;

Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ;

Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này; Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ; Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.

Đặc biệt, sẽ kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Kiện toàn chức năng, cơ cấu tổ chức và biên chế 11 đơn vị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Thông báo số 1440-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế, phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các sở, ngành, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Nỗ lực đạt GDP trên 5% năm 2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt đến mức cao nhất các mục tiêu, năm 2023, trong đó có tăng trưởng GDP đạt trên 5%,